Giải mã các tác phẩm chạm khắc của Albrecht DÜrer
Mới đây, tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nga đã diễn ra Triển lãm “Albrecht Dürer – những kiệt tác chạm khắc”, trưng bày 146 tác phẩm của nghệ sĩ tài năng người Đức Albrech Dürer. Hãy cùng khám phá những thông điệp bí mật ẩn giấu đằng sau các tác phẩm nổi tiếng của ông.
"Adam và Eva"
Nội dung của bản khắc bắt nguồn từ câu chuyện ăn trái cấm của Adam và Eva trong Sách Sáng thế. Trong một chuyến đi đến Ý, Dürer đã nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc cổ của những bậc thầy về nghệ thuật đương đại nơi đây, họ là những người có ảnh hưởng lớn trong việc mô phỏng hình thể con người trong nghệ thuật chạm khắc.
Dürer đã miêu tả một số chi tiết quan trọng liên quan đến nhân vật Adam và Eva. Đó là bốn loài vật tượng trưng cho bốn tính cách của con người: con mèo dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn; con thỏ lạc quan, dễ ham muốn; con bò lãnh đạm, ham ăn, rầu rĩ; con nai đa sầu, tham lam và luôn tuyệt vọng. Theo người Hy Lạp cổ, tính cách của con người được quyết định bởi tỷ lệ của các loại chất lỏng trong cơ thể - máu, bạch huyết, mật vàng, mật đen. Ban đầu, những chất lỏng này ở trạng thái hoàn toàn cân bằng, nhưng sau khi Adam nếm thử trái cấm, tỷ lệ này đã bị thay đổi, khiến cho nhân loại sa lầy vào tội lỗi. Hiện thân của Adam ngây thơ không nhận thức được hậu quả hành động của mình chính là con chuột dưới chân chàng, ngây ngô khi không nhận ra một con mèo đang chuẩn bị tấn công nó.
Eva đứng cạnh con rắn, biểu tượng của điều ác và cám dỗ, trên cây vả, cây nhận biết được thiện và ác. Đối lập với nó là con vẹt, loài vật tượng trưng cho sự khôn ngoan và nhân từ. Con vẹt đậu trên một nhành cây đời mà Adam đang bám vào.
"Sầu muộn"
Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng hiệp sĩ được Dürer lấy cảm hứng từ bức tượng Bartolomeo Colleoni - chỉ huy của một đội lính đánh thuê ở Ý thời trung cổ. Alberch Dürer đã thấy tác phẩm này của nhà điêu khắc Andrea del Verrocchio trong chuyến thăm Venice. Lại có ý kiến cho rằng, nguyên mẫu của "Hiệp sĩ, Thần chết và Quỷ dữ" là bức phác thảo tượng Francesco Sforza cưỡi ngựa ở Milan của Leonardo da Vinci.
Hình ảnh hiệp sĩ trong tác phẩm Dürer gắn liền với chiến binh của Chúa. Người này đã được nhắc đến trong bài viết "Người dẫn đường của chiến binh Chúa Kitô" của triết học Erasmus của Rotterdam vào năm 1501. Tác giả kêu gọi những chàng trai trẻ không ngại nguy hiểm và hãy tiến về phía trước với niềm tin trong trái tim mình.
Pháo đài trên đỉnh núi tượng trưng cho Vương quốc Thiên đàng - mục tiêu cuối cùng trên con đường của những người con Ki tô giáo. Những chiếc lá sồi được đan vào bờm và đuôi ngựa của hiệp sĩ – biểu tượng của sự dũng mãnh. Bên phải, sau lưng hiệp sĩ là quỷ dữ với khuôn mặt của con lợn rừng với ba sừng đang rình rập. Bên trái là người đàn ông đã chết được hồi sinh đội vương miện và mặc áo liệm - Thần chết. Vị thần này giơ chiếc đồng hồ cát lên trước mặt hiệp sĩ như một lời nhắc nhở về sự kết thúc không thể tránh được và sự mong manh của mọi thứ trên trần thế. Người duy nhất đồng hành cùng kỵ sĩ là chú chó, biểu tượng của trung thành.
Ý tưởng chính của bức chạm khắc này là sự vĩ đại của một người có thể khắc phục những tật xấu của bản thân và vượt qua nỗi sợ chết.
"Quái vật biển"
Dürer đã đặt tên cho bản khắc này là "Das Meerwunder", trong tiếng Đức có nghĩa là "phép màu của biển cả", nhưng tác phẩm đã đi vào lịch sử nghệ thuật với cái tên "Quái vật biển".
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về ý nghĩa mà người nghệ sĩ đưa vào tác phẩm. Nhân vật chính của bản khắc là con quái vật và một cô gái trẻ (có thể là con quái vật đã bắt cóc cô).
Trong nền nghệ thuật thế giới, có một số tác phẩm với nội dung tương tự: Vụ bắt cóc Deianira (vợ của Hercules), Neptune và Amymone, Glaucus and Scylla. Hình ảnh của các á thần biển và những cư dân dưới nước khác thường được khắc trên quan tài của người La Mã.
Các học giả cho rằng Dürer mượn cốt truyện không phải từ sử thi cổ đại, mà là từ văn học dân gian hoặc văn học trung đại của Đức, bởi kiến trúc của thị trấn trên đỉnh đồi rất đặc trưng ở Đức, với những ngôi nhà gỗ và tháp pháo cổ điển.
"Thánh Jerome trong trai phòng"
Nhân vật chính của bức khắc là học giả, nhà thần học Jerome, người đã được phong tước vị thánh. Ông sống ở Rome vào thế kỷ IV, theo học triết học, đến tuổi trưởng thành được làm lễ rửa tội, rời bỏ cuộc sống trần tục và trở thành ẩn sĩ trong một tu viện gần thành phố Bethlehem - nơi Chúa Giêsuđời. Tại đây Jerome đã dịch Kinh thánh sang tiếng Latin, đặt tên là "Vulgate", vào năm 1546 được nhà thờ công nhận là bản chính xác duy nhất.
Truyền thuyết kể rằng, một lần, có một con sư tử đi lạc vào tu viện. Khi tất cả các tu sĩ chạy trốn trong sợ hãi thì Jerome nhận ra con thú đang đi khập khiễng, ông tiến đến gần và rút một chiếc dằm ra khỏi chân nó. Kể từ đó, con sư tử đã đi theo vị cứu tinh khắp mọi nơi, như hình ảnh khắc hoạ trên tác phẩm của Dürer.
Bức khắc “Thánh Jerome trong trai phòng” miêu tả ông đang dịch Kinh thánh. Trên bức tường bên cạnh chiếc đồng hồ cát treo một chiếc mũ của hồng y, cho thấy sự khiêm tốn của Jerome. Ông được chọn làm hồng y, nhưng đã từ chối vì ông yêu thích công việc của một nhà triết học, khoa học và cuộc sống ẩn dật hơn.
Minh Thư