Giỏ hàng

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Tượng đài của điêu khắc Việt

Bước sang tuổi 80, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo mới lần đầu có triển lãm cá nhân, ghi dấu chặng đường sáng tác đã hơn 50 năm. Dù tuổi cao, không còn sung sức như ngày nào nhưng mỗi ngày, ông đều dành thời gian cho lao động nghệ thuật bởi với ông, “làm tượng là sống, là vui”. Có lẽ chính từ sự tâm huyết, đam mê ấy mà Tạ Quang Bạo có khối lượng tác phẩm khá đồ sộ và chất lượng, ghi dấu ấn lớn. Người trong nghề gọi ông là tượng đài của điêu khắc Việt.

Hơn 50 năm gắn bó với tượng

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sinh năm 1941 tại Hà Trung (Thanh Hóa). Giai đoạn 1959-1963, ông theo học tại Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, ông được phân công về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (khi ấy vừa thành lập). Năm 1966, ông tiếp tục theo học tại khoa Điêu khắc của trường CĐ Mỹ thuật Công nghiệp, đào tạo nghệ sĩ tạo hình trình độ ĐH. Năm 1971, Tạ Quang Bạo nhập ngũ, vào chiến trường Khu V, làm họa sĩ của Đoàn văn công Khu V, tạp chí Quân khu.

Khoảng thời gian này, ông vừa tham gia chiến đấu, vừa tranh thủ khoảng thời gian hiếm hoi giữa các trận đánh để sáng tác. Chiến trường có ác liệt, gian khổ và thiếu thốn tới đâu thì Tạ Quang Bạo vẫn luôn giữ trong mình niềm lạc quan, say mê sáng tác phục vụ Đoàn văn công. Ông thường ghi chép lại các chất liệu của thực tế cuộc sống chiến đấu qua các bức kí họa và lên ý tưởng, ấp ủ cho những tác phẩm điêu khắc trong tương lai.

Sau ngày đất nước thống nhất, Tạ Quang Bạo được Bộ Tư lệnh Quân khu V giao sáng tác mẫu “Tượng đài Chiến thắng” đặt tại Bảo tàng Bộ chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng với chất liệu xi măng- chiều cao 12m. Tiếp đó, ông sáng tác và dựng tượng đài “Nam, nữ dân quân xã Cảnh Thụy, Bắc Giang” có chiều cao 3m, chất liệu bê tông cốt thép. Thời gian này, Tạ Quang Bạo chuyên tâm vào sáng tác với nhiều tác phẩm lớn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thuộc nhiều chất liệu từ bê tông, đá, đồng. Tiêu biểu như các tác phẩm: Tượng đài “Chiến thắng sông Lô”, chất liệu bê tông, cột biểu tượng cao 21m, nhóm tượng cao 7m, năm 1987, đặt tại Núi Đồn (Đoan Hùng, Phú Thọ); Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noọng Nhai”, chất liệu bê tông, cao 4,5m, năm 1999, đặt tại xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); Tượng đài “Ngời sáng Quê hương” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, chất liệu bê tông, tượng cao 7,3m, bệ tượng cao 7,2m, năm 1997, đặt tại Km số 6, Quốc lộ 9, phường 4, TX.Đông Hà (Quảng Trị); Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn”, chất liệu bê tông, cao 11,2m, đặt tại xã Cấm Dơi (Quế Sơn, Quảng Nam); Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, chất liệu bê tông, tượng cao 6m, bệ cao 10m, năm 2004, đặt tại Công viên 2 tháng 4, TP.Nha Trang (Khánh Hòa)…

Ngay cả sau khi nghỉ hưu, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật. Và đề tài lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của ông chính là chiến tranh cách mạng với hình ảnh những người mẹ, những người phụ nữ Việt Nam kiên cường; những người lính anh dũng đã cống hiến xương máu cho Tổ quốc… Ông chia sẻ: “Với cá nhân tôi, làm tượng là sống, là vui. Tôi ngộ ra một điều: Trời cho mình mỗi việc nặn tượng thì mình chuyên nặn tượng. Ăn ngủ vì tượng, suốt ngày vầy đất sét. Đất sét cũng gắn bó với tôi như người tình, thở hơi thở của đất, của đá, của đồng và của thạch cao... Tôi quan niệm, một người sinh ra trên cuộc đời này phải sống có lý tưởng, có hoài bão, có ước mơ. Để làm được điều này, con người phải lao động, sáng tạo và để lại cho cuộc đời những giá trị của lao động chân chính thì mới bền vững theo thời gian. Tôi là người lính và đã đi qua các cuộc chiến tranh của đất nước, chính vì vậy, tôi muốn dành phần lớn đời mình cống hiến cho những công trình nghệ thuật lớn lao của đất nước. Đó là những tượng đài chiến thắng, tượng đài tôn vinh sự hi sinh của những anh hùng liệt sĩ, ngợi ca sức chiến đấu của con người Việt Nam”.

Miệt mài sáng tạo nghệ thuật, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của điêu khắc Việt, năm 2001 nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho các tác phẩm: “Tình hữu nghị Việt- Lào” (buộc chỉ cổ tay); Tượng đài “Nghĩa trang Buôn Mê Thuột”; Tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch”; Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”. Năm 2016, ông tiếp tục nhận được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT cho 2 tác phẩm “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ. Ông là nghệ sĩ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT.

Nghệ thuật phải có tư tưởng

Không chỉ có những tác phẩm điêu khắc ngoài trời, Tạ Quang Bạo còn sáng tác hàng trăm tác phẩm điêu khắc, tượng tròn với các chất liệu thạch cao, gỗ, đất nung, đồng, đá… đề cập đến các đề tài về quê hương, gia đình, tình yêu. Tác phẩm của ông tham gia nhiều triển lãm khác nhau như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng... Nhưng cuối năm 2019- đầu 2020 này, lần đầu tiên, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo mới có cho mình một triển lãm cá nhân, với sự hỗ trợ tích cực của  Lunet Art Galerie.

Triển lãm nghệ thuật điêu khắc “Chân dung nghệ sĩ- nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo” giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm mới ra đời, cùng với 10 tác phẩm mượn lại từ các bộ sưu tập tư nhân. Mỗi tác phẩm là một cá tính riêng nhưng khi đặt cạnh nhau vẫn tạo nên sự hài hòa tổng thể, biểu trưng cho phong cách sáng tác của Tạ Quang Bạo. Đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam uyển chuyển nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn, rắn chắc. Cũng có khi đó là hình tượng mang tính biểu tượng cho những khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống. Hay đôi nét lãng mạn trong những bức tượng tràn ngập tình yêu say đắm… Dù sáng tác trong giai đoạn đất nước khó khăn hay khi hòa bình lập lại, điều kiện tốt hơn thì những sáng tác của Tạ Quang Bạo vẫn luôn hướng đến một tư tưởng chung nhất là phục vụ con người.

Từ khóa