Giỏ hàng

Họa sĩ

PHẠM KHẮC QUANG – CÂU CHUYỆN CỦA TÔI

PHẠM KHẮC QUANG – CÂU...

Tôi kể câu chuyện của tôi…“Mình không có quyền chọn nghệ thuật, là nghệ thuật chọn mình. Khi nghệ thuật chọn mình thì mình đi, mình đi như một thiên mệnh, như một thiên chức”.Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Hải Dương, trong một lần tình cờ nghe loa xã thông báo về một lớp mỹ thuật ở địa phương tuyển sinh, tôi đăng ký và thi đậu. Được học đúng sở thích và nhận thấy bản thân có năng khiếu về mỹ thuật, sau khi học xong khóa học 3 năm tại quê nhà, tôi thi đỗ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và bắt đầu hiến thân cho nghệ thuật. Tôi đến với nghệ thuật là một cái duyên, nếu như không có loa xã ngày ấy thì có lẽ bây giờ tôi đã theo ngành khác. Nghệ thuật đã chọn tôi!Tôi nghĩ rằng tôi không có quyền chọn nghệ thuật mà nghệ thuật đã chọn tôi, cụ thể là nghệ thuật đồ họa. Tốt nghiệp đại học, tôi cũng đi làm vài nơi liên quan tới mỹ thuật nhưng không thấy phù hợp. Tôi trở về làm một họa sĩ sáng tác và chính thức quay về với đồ họa năm 2004, trở về với đúng hành trình của mình.Đồ họa là thế mạnh của tôi, là thứ tôi thích nhất và cũng là phương tiện phù hợp nhất với tôi – tôi sử dụng nó để làm nghệ thuật – nó giúp tôi cảm thấy thỏa mãn hơn, hạnh phúc hơn.Nghệ thuật khắc gỗ khiến tôi rất thích thú, nhưng tôi không đặt tiêu chí cuối cùng là làm nên một bức tranh khắc gỗ đẹp, thứ tôi cần là hành trình, là một phương tiện để mình đi con đường nghệ thuật của mình.Tôi rất tự do trong việc tìm tòi phương pháp, hình thức thể hiện, nó tạo cho tôi vùng trời rộng hơn để tôi theo đuổi nghệ thuật. Tất cả kỹ năng người nghệ sĩ tạo ra trong quá trình làm việc cũng chỉ là kỹ năng, nếu không có khát vọng để thay đổi nó thì sẽ trở thành thói quen, mà thói quen chính là kẻ thù của sáng tạo.Người nghệ sĩ mong muốn đổi mới mình thì trong lòng sẽ luôn luôn đeo đẳng, chất chứa khao khát đổi mới. Đến một lúc nào đó điều kiện thận lợi thì sẽ bắt gặp và khi gặp được rồi thì sẽ có những câu chuyện mới.Những bước chuyển mình qua từng giai đoạn sáng tácKhi quay trở về với đồ họa, tôi bắt đầu bằng những tác phẩm có tính biểu cảm. Tôi làm tranh khắc gỗ với tất cả những kiến thức được học từ nhà trường, từ ý tưởng, sắp đặt trong tranh, cấu trúc, ánh sáng, sắc độ đậm nhạt, hình khối…Qua quá trình đi làm, tôi phát triển hơn về mặt kỹ thuật, tôi bắt đầu đi sâu để khám phá kỹ thuật khắc gỗ xem khả năng biểu đạt của loại hình này đến đâu, lúc này tôi tiếp cận với nghệ thuật khắc gỗ phá bản. Qua giai đoạn khám phá khả năng của chất liệu, tôi đặt ra vấn đề: Nếu mình cứ giải quyết câu chuyện này, cứ xoay vần, xử lý nó trong phạm vi những yếu tố tạo hình mà mình đã được học và nằm mãi trong vùng an toàn của nghệ thuật tạo hình thì khả năng của mình sẽ bị hạn chế. Tôi đang làm nghệ thuật tạo hình thị giác – có nghĩa là nghệ thuật để đem đến cái nhìn – vậy thì tôi phải tạo ra một cái nhìn!Những tác phẩm thời đầu của tôi khá dễ nắm bắt, bởi nó là những cái biểu cảm mang tính chất đặc thù của chất liệu, tức là nhìn thấy ngay bút pháp, những chất cảm của nét khắc tạo nên và sáng tạo đến từ chính những thứ quen thuộc ấy. Tôi đã chuẩn bị rất nhiều cho việc này nhưng rồi cũng đến lúc phải thay đổi. Từ đó mở ra một giai đoạn tiếp theo, tôi liên tưởng đến những thứ rất đơn giản: Khi tôi ra ngoài đường phố, nhìn thấy các biển hiệu đèn led lập lòe sắc màu hoặc nhìn thấy những đứa trẻ đang chơi những viên bi màu… tất cả những thứ đó cho tôi gợi ý về việc muốn làm những tác phẩm được hiển thị bằng tập hợp tất cả những chấm tròn bằng nhau nhưng sắc thái khác nhau, khi tập hợp lại chúng sẽ tạo thành một tác phẩm rất thời đại.Tôi bắt đầu làm các hiển thị trên tinh thần hiệu ứng của các chấm tròn và các biểu đồ, từ sự cộng hưởng ánh sáng, màu sắc của các chấm tròn. Trong quá trình làm, tôi thấy quá phức tạp trong việc tìm vật liệu tương ứng và công cụ tương ứng để thỏa mãn sự sáng tạo của mình. Tôi nghĩ rất nhiều tới những thứ thường gặp hàng ngày, đó là những cái khoan và các mũi khoan. Trong thực tế có rất nhiều cỡ mũi khoan, tôi tìm ra được logic từ chính những mũi khoan ấy. Mở các mũi khoan đồng tâm với các layer khác nhau sẽ tạo ra được không gian và hiệu ứng về những chấm tròn mà tôi mong muốn.Lúc ấy tôi liên hệ đến nghệ thuật sắp chữ của châu Âu vào khoảng thế kỷ 15, từ đó tôi nghĩ ra một loại khuôn in có thể làm được rất nhiều tác phẩm. Tôi tạo ra một cái khuôn in bằng cao su với các vòng tròn đồng tâm, mỗi một lượt in tôi sẽ mở, tháo dần các vòng tròn ấy ra khỏi khuôn để tạo thành một bức tranh. Lúc ấy tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng khi đã chinh phục được rồi thì tôi bắt đầu cảm thấy chán. Có một thời gian tôi chững lại rất lâu, tôi muốn thay đổi tín hiệu hiển thị trên tác phẩm.Nối tiếp giai đoạn sử dụng khuôn in tạo ra những chấm tròn, tôi muốn trong mỗi chấm tròn đều có những câu chuyện riêng, có sắc thái riêng, chất chứa những tinh thần và tâm hồn. Tôi muốn làm những gì cô đọng, ngắn gọn nhưng có tính mở, có ý niệm nhiều hơn. Tôi muốn sử dụng, khai thác những chân dung của người thân trong gia đình để kể những câu chuyện lớn, nằm ngoài chân dung của họ. Tôi muốn trong mỗi điểm chấm tròn là cả một câu chuyện, là cả một tâm tư nào đó của chính nhân vật.Những mong muốn và suy nghĩ ấy luôn đeo đẳng tôi. Tình cờ khi lang thang trên phố, tôi nhìn thấy dịch vụ khắc tem cho khách du lịch. Tôi liên hệ ngay đến công việc của mình. Cuộc gặp gỡ giữa ý tưởng và cách thức dường như đã làm sáng suy nghĩ của tôi. Tôi quay về xưởng, bắt tay vào thử nghiệm nó và tôi đã làm được một bộ chân dung lấy ông bà để vẽ chính ông bà.Trích đoạn tác phẩm: Bà Nội – Họa sĩ Phạm Khắc QuangTrong hành trình sáng tạo, khi ta chinh phục được đỉnh núi này thì phía trước còn nhiều đỉnh núi khác và ta lại tiếp tục chinh phục, nó như một bản ngã, bản năng của người làm sáng tạo. Với người làm sáng tạo, những cái xong rồi là quá khứ, mình để nó lại đằng sau và tiếp tục nghĩ đến những cái mới.Trong bối cảnh xã hội thời đại công nghệ 4.0 tôi nhìn thấy quá nhiều thứ khô khan và đồng điệu: những công nghệ số, những tín hiệu số… Tôi không muốn vẽ một đề tài đương đại mang tính một câu chuyện văn học, tôi muốn dùng một ngôn ngữ, một tín hiệu mang tính đương đại, mang tính thời đại để giải quyết những gì mình mong muốn – Tôi tìm đến ngôn ngữ của mã vạch.Trong lúc đi mua một sản phẩm – một sản phẩm giữa một xã hội tối – sáng, thật – giả lẫn lộn thì tôi phải truy xem nó là gì, nó từ đâu đến… tôi nhìn thấy mã code in trên bao bì. Khi gặp mã code, tôi quên mất việc mình đang làm là truy xem sản phẩm đó là cái gì, và thực ra chính cái tín hiệu đó đã tìm ra tôi, truy xuất tôi. Và đấy chính là những gợi ý ban đầu về hình ảnh, về các tổ chức mang tính tín hiệu, giống như mã vạch cho một hành trình tiếp theo là những tác phẩm tôi đang thực hiện mang ngôn ngữ của mã vạch.Đến bây giờ tôi đã hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ này. Tôi đang làm về mã vạch tức là tôi đã giải quyết được một ngôn ngữ, một tín hiệu, như vậy nghĩa là tôi đã xong việc của một giai đoạn tư duy và thực hành. Chính điều đó dẫn tôi tới một hình thức khác mà bây giờ nó đang nằm trong đầu tôi.Nghệ thuật không có giới hạn và cũng không có điểm đến. Nghệ thuật là một hành trình để ta đi, đi đến đâu thì biết nghệ thuật đến đó. Sáng tạo luôn luôn thay đổi, người nghệ sĩ cũng vậy, luôn luôn có những khát khao thì cái mới sẽ đến với mình.Thực tế đầy rủi ro và những sai lầm không thể sửa chữaVới tôi, người làm sáng tạo nói chung và người làm đồ họa nói riêng, khi họ luôn vươn tới một cái gì đó mới thì đấy là khó khăn.Khi tôi có ý tưởng, tôi phải tưởng tượng ra điểm đến của một tác phẩm. Để giải quyết được điểm đến ấy, người làm đồ họa phải tư duy các lớp lang trình tự để thực hiện tác phẩm. Nghĩ thì như vậy nhưng vào thực tế thì đầy những rủi ro, mỗi bước đi trong quá trình thực hành luôn gặp những cái nằm ngoài ý định ban đầu. Thường thì đấy là những tai nạn không thể sửa chữa, buộc phải khắc phục bằng câu chuyện khác, bằng phương pháp khác hoặc làm lại để rút kinh nghiệm.Không chỉ thách thức trong sáng tạo, người nghệ sĩ còn phải đối mặt với những thách thức ở ngoài câu chuyện nghệ thuật – thách thức từ đời sống xung quanh, những áp lực để giành giật, để chắt chiu thời gian, chắt chiu những khoảnh khắc để mình được sống, được làm việc với nghệ thuật.Giá trị của một tác phẩm đồ họaĐồ họa là một hình thức thực hành nghệ thuật phải trải qua các quá trình chế tác gián tiếp đầy logic, đầy khoa học, từng bước chuẩn xác để tạo ra một tác phẩm.Khi nói về tính cô đọng nhất trong một tác phẩm nghệ thuật, người ta thường nói về nét. Nét người vẽ sơn dầu, vẽ màu nước, vẽ lụa là nét vẽ vào còn nét trong đồ họa là nét mà người nghệ sĩ giữ lại. Hai yếu tố thực hành khác nhau đã tạo ra chất cảm, tính biểu  khác nhau của nét.Mỗi ngôn ngữ, mỗi chất liệu đều có tính biểu cảm riêng, chúng ta nhìn vào tính biểu cảm của nó thông qua quá trình người nghệ sĩ thực hiện nó. Chính vì vậy, một tác phẩm đồ họa có giá trị độc lập và giá trị đấy hoàn toàn phục thuộc vào nhận thức. Khi người thưởng ngoạn tìm đến tác phẩm bằng cách đồng hành thì sẽ hiểu được quá trình sáng tạo, sự trả giá, những khó khăn hoặc thuận lợi trong quá trình sáng tạo một tác phẩm – Điều đó tạo nên giá trị của tác phẩm.Người làm nghệ thuật là một người “giàu có”Với tôi, một người làm nghệ thuật là một người giàu có, họ giàu có trong tâm hồn, giàu có trong tư tưởng… Tôi làm nghệ thuật như một thiên chức, tôi là người được lựa chọn, vì vậy tôi cứ đi thôi.Trong tư tưởng của người nghệ sĩ làm sáng tạo, họ không làm ra những tác phẩm để đem lại giá trị bao nhiêu. Khi mình đem lại những giá trị nghệ thuật lớn, những giá trị sáng tạo thì sự đắp đổi trở lại với mình cũng tương ứng như vậy. Không người nghệ sĩ nào nghĩ rằng mình chọn con đường này để làm giàu. Nếu như muốn làm giàu đừng chọn trường mỹ thuật.Có những người rất giàu, họ nhận ra một điều rằng đỉnh cao của sự giàu có, đỉnh cao của tiền bạc là nghệ thuật. Làm ra thật nhiều tiền để rồi đi sưu tập nghệ thuật, để thỏa mãn những việc mình mong muốn về tâm hồn, về những giá trị khác phi vật thể, thì bản thân người nghệ sĩ đã có sẵn việc đó rồi, cho nên người nghệ sĩ là người giàu, hơn cả giàu.Văn Ngọc

Họa sĩ Trần Ngọc Hưng

Họa sĩ Trần Ngọc Hưng

 Họa sỹ trẻ Trần Ngọc Hưng sinh năm 1983, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sơn mài và có bằng Thạc sỹ về Mỹ thuật tạo hình.  Anh hiện đang làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.Tuy tuổi nghề còn trẻ, song họa sỹ Trần Ngọc Hưng đã khẳng định tài năng của mình qua vô số các triển lãm nhóm và cá nhân trong quãng thời gian từ năm 2007 đến năm 2019. Một trong số các triển lãm nổi bật của anh là triển lãm cá nhân “Chuối rừng”, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc năm 2018.

Họa sĩ Phạm Văn Nghĩa

Họa sĩ Phạm Văn Nghĩa

Sinh năm: 1979 tại Nga Sơn, Thanh HóaTốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật trường Đại học Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa năm 1999Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2005Giải thưởng:Giải Nhất biểu tượng vui Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13Giải Nhất biểu trưng hội khỏe Phù đổng toàn quốc lần thứ 7 năm 2008Giải Khuyến khích tác phẩm tranh cổ động chào mừng 15 năm quan hệ Việt Nam – EC do Liên minh Châu Âu tại Việt Nam trao trặng năm 2002Giải Khuyến khích tác phẩm áp – phích về phòng chống ma túy năm 2001Tặng thưởng Hội mỹ thuật Việt Nam và Hà Nội cho các tác phẩm áp – phích xuất sắc Sea Games 22 năm 2003NGHĨA PHẠM VÀ LỐI RẼ ĐỊNH MỆNHTốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, họa sỹ Nghĩa Phạm có gần chục năm phụ trách thiết kế cho một doanh nghiệp phần mềm tên tuổi trước khi gắn bó với tranh sơn mài. Trước sơn mài, anh cũng từng dành nhiều nhiệt huyết với tranh sơn dầu, tranh được nhiều nhà sưu tầm uy tín trong và ngoài nước yêu thích. Thế nhưng, có cái gì đó chưa đã, chưa thỏa mãn, chưa tới mà anh vẫn tìm kiếm trong hội họa. Khi đắm chìm với sơn mài cùng những chất liệu tự nhiên như vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ ốc, cửu không, vỏ trai, sơn then, sơn cánh gián,… – Nghĩa Phạm khám phá được một hạt địa mới và khám phá chính mình. Với anh, việc bỏ một chỗ làm tốt để trở thành họa sỹ sơn mài được xem như một lối rẽ định mệnh, đầy cơ duyên.Bén duyên với sơn mài chưa lâu, nhưng bằng lối vẽ kỹ càng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm tranh sơn mài truyền thống, Nghĩa Phạm đã chạm đến và giúp người thưởng tranh chạm đến những xúc cảm, rung động đặc biệt mà tranh sơn mài có thể mang lại cho người xem.Đề tài trong tranh sơn mài của Nghĩa Phạm chủ yếu là thiên nhiên, hoa lá, một số bức trừu tượng vượt khỏi sự kiểm soát của chính tác giả, đạt đến độ mà chính anh không thể hình dung.Cùng với mận, phong cảnh, trừu tượng, sen chiếm một vị trí đặc biệt trong tranh sơn mài Nghĩa Phạm. Về màu sắc, những bức sen được cởi bỏ hoàn toàn bởi khuôn mẫu cũ, không đơn thuần là “Nhị vàng bông trắng lá xanh”. Về hình khối, sen được biểu hiện trong cả thời kỳ viên mãn hoặc lụi tàn, nên có thể khỏe khoắn, tràn đầy sinh khí hoặc xác xơ tận cùng phai úa. Nhiều bức sen của Nghĩa Phạm gợi lên rung cảm đặc biệt, chiều sâu của không gian được tạo lên bởi hàng chục lớp sơn, lớp mầu và nguyên liệu truyền thống vẫn giúp người xem cảm được nét đẹp, xúc cảm và tác giả gửi gắm. Những lớp lang vô biên ấy, có khi lại ẩn dưới một mặt tranh mịn và nhẵn thín như gương. Miết tay vào bề mặt một bức sơn mài, cái lành lạnh của vàng, của bạc, của vỏ ốc, của vỏ trai, … dần tan biến; cảm giác ngỡ ngàng khi cảm được nông sâu, trầm bổng, âm vang, … xâm chiếm.Sơn mài không bao giờ là thứ tranh mà người ta có thể đặt hàng, hẹn ngày rồi ung dung đến lấy. Tranh có khô được hay không, những lớp lang có đúng như ý muốn hay không, màu sắc có lên đúng ý định hay không, ngoài sự tài hoa của nghệ sỹ, còn phụ thuộc… ông trời. Nghĩa Phạm tuân thủ tuyệt đối quy trình sơn mài truyền thống, anh không bỏ qua hay không “đốt cháy giai đoạn”, ăn gian bất cứ quy trình nào. Có chút khác biệt, là họa sỹ phải có được sự cảm nhận tinh tế để biết, với chi tiết này, quá trình mài chỉ là từng ấy; với chi tiết kia, mài 1 lớp rồi, chưa ưng, lại bồi vẽ tiếp, lại mài. Những mảng màu sáng – tối, nông – sâu,  nóng – lạnh, xa – gần, … tất cả đều cần tiên lượng chứ không phải cứ làm là có, cứ lâu là thành.Đến với sơn mài, ngoài cái háo hức khám phá của một “người mới”, Nghĩa Phạm còn có cả sự cầu toàn và tham vọng của người muốn chinh phục một trong những di sản độc đáo của dân tộc. Vừa làm, anh vừa học hỏi, khám phá và điều chỉnh chính bản thân mình. Mỗi chặng đường ấy, những tác phẩm ra đời cũng đánh dấu sự trưởng thành, ghi dấu độ chín dần của người họa sỹ.Với quan điểm “Đích đến của nghệ thuật nằm trên đường chúng ta đi”, họa sỹ Nghĩa Phạm cho rằng với anh không có tác phẩm nào là đỉnh cao, không có tác phẩm nào là sau cuối, tác phẩm nào cũng có thể chỉ là một phác thảo. Mỗi ngày, anh vẫn tự học hỏi, tự trau dồi, với niềm tin tác phẩm tuyệt vời nhất là tác phẩm còn ở phía trước.

Họa sĩ Trần Nguyên Đán

Họa sĩ Trần Nguyên Đán

Họ và tên: Trần Nguyên Đán Năm sinh: 29/10/1941 tại Hà Nội1971: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa 11998 – 2003: Giữ chức vụ Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam1972: Hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội1974: Hội viên hội Mỹ thuật Việt NamTriển lãm cá nhân1981: Triển lãm tại Hà Nội1991: Triển lãm tại Hà Nội1992: Triển lãm tại hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh1994: Triển lãm tại thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng1997: Triển lãm tại thị xã Hội An tỉnh Quảng Nam lần thứ 22002: Triển lãm tại Hà Nội2016: Triển lãm cá nhân bộ sưu tập mộc bản và tranh do nhà sưu tập Thu Hòa tổ chức1975, 1981, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005, 2010, 2015: Liên tục tham gia triển lãm Mỹ thuật Việt Nam2012: Triển lãm cá nhân tại Nhật BảnNhiều năm tham gia triển lãm Mỹ thuật thủ đô Hà Nội và triển lãm khu vực của hội Mỹ thuật Việt NamTham dự triển lãm quốc tế tại Cộng hòa liên bang Đức, Trung Quốc, Liên Xô, Ấn Độ, Ba Lan, Cu Ba…