Họa sỹ Đào Trọng Lưu: Hãy cứ thoải mái chơi trong nghệ thuật
Ghé thăm xưởng của họa sỹ Đào Trọng Lưu vào buổi sáng đẹp trời đã trở thành một việc vô cùng quen thuộc với tôi mỗi khi ra Hà Nội. Tuy nhiên, lần ghé thăm này hơn cả một cuộc nói chuyện bình thường, khi bác Lưu, hay được biết với biệt danh “Lưu mải chơi”, chia sẻ tường tận hơn để cho bài viết này ra đời.
Từ bắc chí nam, cái tên Đào Trọng Lưu nghe có vẻ xa lạ, nhưng nếu nói đến cái biệt danh “cúng cơm” kia, cùng những tấm toan rực rỡ đầy sắc thái và cảm giác, thì rất nhiều họa sỹ thuộc lớp sau chiến dịch Điện Biên đều phải rất nể trọng.
Vẫn thoải mái như mọi khi, bác Lưu tươi cười đón tôi vào ngôi nhà kiêm cả xưởng vẽ từ rất lâu của mình ở góc đường Trần Bình Trọng. Mỗi lần ghé thăm, nơi đây lại càng được lấp đầy bởi những tấm toan mới được xếp gọn gàng đắm chìm trong những bản giao hưởng mà bác yêu thích. Sinh ra trong một gia đình đông anh em, giàu truyền thống và thấm nhuần văn hóa Pháp, họa sỹ Đào Trọng Lưu tiếp xúc âm nhạc từ rất sớm trong ngôi trường dòng của thời Pháp cũ, Saint Jean-Baptiste de La Salle, thậm chí còn trước cả hội họa.
Hội họa hiện đại Việt Nam thời Đông Dương là khái niệm vốn đã quá quen thuộc với những cái tên Lê Phổ, Bùi Xuân Phái, nhưng họa sỹ Đào Trọng Lưu thuộc lớp những nghệ sỹ hiếm hoi vẫn theo đuổi nền hội họa Pháp hậu 54. Vào thời điểm bấy giờ, việc được tiếp xúc với hội họa là một điều gì đó “xa xỉ” và thường là sự tiếp nhận cách giáo dục hàn lâm. Nhưng một số cơ duyên, tinh thần và tư duy luôn “mải chơi trong nghệ thuật” đã khiến vị họa sỹ sinh năm 1942 tại Hà Nội luôn giữ cho mình cách làm nghệ thuật thuần khiết.
Một kẻ rong ruổi về phía trước so với thời đại
“Tôi rất thích rong ruổi khắp mọi nơi giao lưu với nhiều người, tiếng Pháp gọi đấy là chữ vagabond, những gã du mục, làm nghệ thuật là phải đi nhiều, gặp nhiều”
Thật vậy, không phải không có lí do mà mọi người lại gọi là bác “Lưu mải chơi” nhưng để giữ được một cái đầu vô tư và hoàn toàn tập trung cho nghệ thuật là điều chưa từng dễ dàng. Nói về con đường đi của người họa sỹ này cũng phải đề cập tới quá trình phát triển của nghệ thuật tại Pháp, trung tâm văn hóa của thế giới. Quốc gia này vào những năm 50 cũng đang trong đà phát triển lại đất nước hậu thế chiến nhưng nghệ thuật vẫn tiếp nối đà phát triển đang bỏ dở.
Vào thời bấy giờ, không chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi chiến tranh, người Mỹ hùng dũng tiến lên phía trước với các phong trào nghệ thuật như trường phái Trừu Tượng Biểu Hiện tung hoành khắp thế giới với các nghệ sỹ dẫn đầu cùng hai làn sóng Jackson Pollock, Willem de Kooning rồi Mark Rothko, Barnett Newman đi từ cách vẽ hành động cho đến những mảng màu lớn bao trùm tất cả.
Ở Pháp, phong trào tachisme – cụm từ của nhà phê bình Pierre Guéguen vào năm 1951 (bắt nguồn từ chữ tache – những vết sơn vương vãi) – đại diện cho cả châu Âu, thu hút được rất nhiều nghệ sỹ làm đối trọng lớn nhất với Mỹ rồi sau đó chuyển dần thành trường phái Paris (school of Paris) với những cái tên: Hans Hartung, George Mathieu, Paul Klee, Karel Appel, Pierre Soulages…
Đó là một thời kỳ hội họa cởi mở và giàu tính thử nghiệm cũng như chính tinh thần của họa sỹ Đào Trọng Lưu lúc này mặc dù nền hội họa của nước ta vẫn còn đang “mắc kẹt” trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa có phần chậm so với thế giới. Việc dời vào miền Nam cũng như hiểu rõ về tinh thần Pháp phần nào giúp cho tinh thần của người họa sỹ được tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn sáng tác.
“Ngày xưa, tôi đều phải học qua académique (hàn lâm), trên gác có một cái cốp để rất nhiều tranh tả thực từ hồi đó. Về sau tôi chuyển qua vẽ hiện thực nhưng vẫn theo kiểu impressionnisme (ấn tượng) của Pháp mặc dù hội họa bấy giờ nặng khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc.”
Triển lãm tại Pháp, cơ duyên gặp gỡ và phát triển trường phái ấn tượng biểu hiện tại Việt Nam
Cũng giống như cuộc đời mỗi chúng ta, trong sự nghiệp nghệ thuật của mỗi nghệ sỹ đều sẽ có những bước ngoặt. Sự tập trung bền bỉ rèn luyện tư duy mỹ kỹ thuật đưa người nghệ sỹ Đào Trọng Lưu đến với nước Pháp ngay thời mở cửa vào năm 1996, với hai người anh định cư tại đây. Triển lãm nhóm tại tòa thị chính ở vùng Dunkerque, cực bắc nước Pháp, nơi người Pháp chiến thắng quân Anh mang đến những trải nghiệm đầu tiên cho bác Lưu tại Pháp.
“Vui lắm, tại đây, tôi có dịp gặp gỡ nhiều người, trao đổi nhiều chuyện bằng tiếng Pháp, lúc đấy tôi mang nhiều tranh ấn tượng và vài tranh biểu hiện triển lãm cho vui nhưng không ngờ cũng được người Pháp mua”.
“Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Nếu không may mắn được sống tại Pháp như các cố họa sỹ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm hay Lê Thị Lựu, thì việc sang Pháp, trực tiếp hít thở khi đất nước thống nhất, là một giấc mơ đối với nhiều người. Con đường của họa sỹ Đào Trọng Lưu có phần không chính thống mà tự do hơn đúng với tính cách “mải chơi” của mình.
“Lúc ở Pháp trong 5 tháng, tôi chỉ thích đi rong ruổi khắp nơi ở Pháp nhờ tiếng Pháp tốt. Khi đến Paris, tôi có cơ duyên được bác Trần Đình Sơn dẫn đi thăm xưởng của họa sỹ Lê Phổ. Sau đó, cơ duyên còn dẫn mình đến thăm xưởng của hai họa sỹ lớn người Pháp cho đến bây giờ là Zao Wou-ki và Olivier Debré. Mọi người đa phần đều nhận xét tranh mình thuộc ‘école de Paris’ (trường phái Paris)”.
Đó không phải là một lời khen để làm hài lòng người nghệ sỹ chân ướt chân ráo sang Paris lần đầu. Nếu đối chiếu với các tác phẩm của họa sỹ Đào Trọng Lưu, không khó để nhận thấy có một sự hiểu và tư duy về màu và kỹ thuật thực hành có xu hướng phương Tây. Rất khó để nhận xét hay đóng khung về những tác phẩm trừu tượng khi đa số người xem phải chiều theo cảm xúc của người họa sỹ, nhưng với Đào Trọng Lưu, cái gout, trường phái và ảnh hưởng có thể thấy rất rõ.
“Nghệ sỹ phải có lòng dũng cảm, những tác phẩm của tôi đến từ những trải nghiệm đúc kết lại. Phần lớn các tác phẩm đến từ những giai điệu, bản concerto, nhạc jazz do từ bé đã được tiếp xúc với âm nhạc. Đến giờ tôi vẫn chơi được piano. Rồi đến những tác phẩm cảnh vật ở Việt Nam.”
Ở Việt Nam, từ thời mở cửa, nhiều người bảo vẽ kiểu này sao bán được, nhưng tôi vẫn không để tâm, những nhà sưu tầm tìm đến tôi đều là người tìm đến tranh vì cảm giác đồng điệu và yêu thích.
Sự yêu thích ở đây phần nào có lẽ cũng tương tự như Zao Wou-ki, họa sỹ gạo cội người Hoa đã cùng vợ đến sống ở Paris. Ông thấm nhuần kỹ thuật hội họa Trung Hoa nhưng sau đó ở lại và bị mê hoặc bởi hội họa phương Tây, cả cuộc đời ông cũng là những chuyến đi nhằm tìm cách dung hòa Đông và Tây. Bác Lưu cũng vậy, người ta tìm thấy ở bác một họa sỹ tâm hồn chan hòa và cởi mở với tất cả sự vật, sự việc cùng chút gì đó vô tư nhưng ở đây là hồn Việt trong hơi thở và những nét cọ mạnh mẽ, màu sắc rực rỡ không chút ngần ngại. Không cần những chủ đề đao to búa lớn, rất mộc mạc và gần gũi nhưng chính sự chỉn chu trong nội tâm được trau dồi giữa văn hóa Việt – Pháp và cơn lốc màu của vô thức trên những tấm toan đa dạng về kích cỡ đã chinh phục được các nhà sưu tầm đến từ Thụy Sĩ, Đức, Áo và Mỹ.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, Sapa với khí hậu ôn hòa và đa dạng văn hóa các dân tộc phù hợp với sự cởi mở của “Lưu mải chơi”, cũng là điểm đến nhiều nghệ sỹ khu vực miền Bắc lựa chọn lưu trú và sáng tác, đã được ông lựa chọn làm nơi tìm cảm hứng. Cứ đều đặn vào những dịp rảnh rỗi, bác Lưu lại lên Sapa rồi ở trong atelier kín đáo của mình và thả hồn vào tranh, chủ yếu các đề tài vẫn về nhạc và sự thay đổi của thiên nhiên.
Atelier khá kín đáo, tôi cũng chưa có dịp ghé thăm, chỉ có bác Lưu và bác gái biết đến. Bác gái kể rằng ở đấy bác Lưu có thể mở nhạc hết cỡ mà không phiền ai để thỏa thích sáng tác. Không quá khó để có thể hình dung cảnh tượng ấy, khi lần đầu tôi và bác cùng chia sẻ niềm thích thú với những bản giao hưởng rất nổi tiếng như Rachmaninoff: Piano Concerto no.2 op.18, hay Bản Giao Hưởng Thế Giới Mới của Dvorak.
Hai năm tới, bác “Lưu mải chơi” sẽ bước sang tuổi 80, nhưng có lẽ tinh thần độc lập và vô tư vẫn sẽ không thay đổi. Ở Việt Nam, họa sỹ Đào Trọng Lưu đã từng có hai triển lãm cá nhân tại Tự Do gallery và Eight Gallery ở miền Nam. Với bác Lưu, có lẽ tôi sẽ không xếp bác vào một nhóm nào cụ thể mà giữ nguyên “École de Paris” và chọn cách ngắm nhìn các bức tranh của bác nhiều nhất có thể như một cuộc dạo chơi. Nhưng nếu một ngày nào đó, được ai hỏi về trường phái trừu tượng biểu hiện ở Việt Nam, tôi chắc chắn sẽ nói về họa sỹ Đào Trọng Lưu.
Bài: TAM TAM | Ảnh: GIANG LÊ
Theo Luxuo
Trang Ps